Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc tắt sóng 2G sẽ được thực hiện từ tháng 9.2024 và đây cũng là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần vô tuyến điện mạng 2G đối với các nhà mạng.
Yêu cầu của thời đại mới
Tại Việt Nam, mạng 2G chính thức được triển khai từ năm 1993, tại thời điểm mà 95-97% mạng viễn thông thế giới vẫn là analog, trong khi các hãng vẫn tiếp tục sản xuất các thiết bị này hỗ trợ 2G.
Qua thời gian, mạng 3G, 4G đã dần dần thay thế 2G với sự phát triển nhanh chóng của điện thoại thông minh. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên nghiên cứu, áp dụng thành công mạng 5G trên thế giới.
Những thiết bị 2G đời cũ hiện đã không còn có thể đáp ứng được yêu cầu của người dân trong thời kỳ hiện đại. Theo nhiều nghiên cứu từ các công ty, nhà mạng trên thế giới, mạng 2G có thủ tục đăng nhập và kết nối đơn giản nên đã được xem là "lỗi thời" và chứa nhiều lỗ hổng, vì vậy, tội phạm mạng có thể lợi dụng để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo… đến thiết bị người dùng qua sóng mạng 2G với các trạm BTS giả mạo gây ra không ít thiệt hại đối với người dùng.
Bên cạnh đó, về mặt phát triển công nghệ mạng, việc duy trì sóng 2G đang chiếm một phần băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển sóng mạng 5G, 6G… Do đó, yêu cầu tắt sóng mạng 2G ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết để đảm bảo quyền lợi cho cả người dân lẫn doanh nghiệp.
Sẵn sàng để tắt sóng 2G
Việc lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh (smartphone) đến từng người dân Việt Nam, đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn.
Tìm hiểu của Lao Động cho thấy, để chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cũng đã sớm ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất” chính thức có hiệu lực từ tháng 7.2021, buộc các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.
Đến ngày 27.9.2022, Bộ TTTT cũng đã có công văn về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ 4G. Theo đó, tháng 9.2024 cũng là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần vô tuyến điện mạng 2G đối với các nhà mạng, đây cũng sẽ là thời điểm chính thức tắt sóng 2G tại Việt Nam, theo thông tin từ VNPT.
Đến nay, Việt Nam vẫn còn khoảng hơn 15 triệu thuê bao 2G, để thúc đẩy chuyển đổi sang 4G, Bộ TTTT cho biết sẽ phối hợp với các nhà mạng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp cùng với các nhà mạng để hỗ trợ cho người dân thực hiện chuyển đổi.
Trong đó, Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành kinh phí hỗ trợ cho thuê bao là hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa chuyển đổi thiết bị từ 2G sang 4G với khoảng 400 nghìn máy. Quỹ đang thực hiện thống kê các hộ dân thuộc diện cần hỗ trợ.
Theo Báo Lao Động
Tin xem nhiều
Sản phẩm nổi bật
Vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận !